Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2018

Vì sao người Hồi giáo rất ham chuộng kiến thức và nghiên cứu?

Vì điều đó đã được quy định trong kinh Koran.

Về phương diện văn minh và văn hóa, toàn vùng Trung Đông đã đạt tới đỉnh cao của sự phát triển từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 13. Lịch sử thế giới đã gọi những thế kỷ này là Thời đại Hoàng kim (The Golden Age) của những người Hồi giáo Trung Đông. Vào thời đó, những người Ả-rập rất ham chuộng nền văn hóa Hy Lạp và chú trọng đến việc nghiên cứu toán học, thiên văn và khoa học thực nghiệm. Họ đã thực hành lời dạy của Muhammad trong kinh Koran: “Ai bỏ nhà đi tìm sự hiểu biết là đi đúng con đường của Chúa. Lạy Chúa! Xin Ngài hãy ban thêm sự hiểu biết cho con”.

Đầu thế kỷ 8, Baghdad (thủ đô Iraq) xây dựng trường Đại học đầu tiên trên thế giới. Họ gọi là “căn nhà của sự khôn ngoan” (House of wisdom). Baghdad trở thành một trung tâm văn hoá lớn nhất thế giới.
Năm 800, các tác phẩm của Aristote và Plato đều được dịch sang tiếng Arabic và được phổ biến trong toàn vùng Trung Đông.
Đến giữa thế kỷ 9, các sách y khoa của Hy Lạp được dịch sang tiếng Arabic. Cuối thế kỷ 9 rất nhiều sách dịch về khoa thiên văn và địa lý được phổ biến tại Trung Đông.
Do các kiến thức học hỏi được từ Hy Lạp, người Ả-rập Hồi giáo đã phát minh ra máy Astrolable dùng để đo độ cao của các thiên thể. Họ biến chế máy Astrolable thành một thứ địa bàn để các tín đồ Hồi giáo dù ở bất cứ một nơi nào trên thế giới cũng tìm được hướng Mecca để quay mặt về thánh địa khi cầu nguyện. Tại thánh địa Mecca có đền thờ Ka’aba, tiếng Ả-rập có nghĩa là “Nhà của Chúa” (House of God). Người Ả-rập tin rằng ngôi nhà của Chúa đã được xây dựng lần đầu tiên bởi tổ phụ Abraham.
Năm 1166, nhà địa dư học Ả-rập Al Adrisi là người đầu tiên trên thế giới vẽ bản đồ trái đất hình cầu rất chính xác. Cũng trong khoảng thời gian này, người Ai-cập chế ra đồng hồ quả lắc để coi giờ.
Trường đại học lâu đời nhất và hoạt động liên tục trên 10 thế kỷ là đại học Al-Azhar ở thủ đô Cairo của Ai-cập (thành lập năm 970).
Một ngôi sao sáng ngời trong thế giới toán học là nhà toán học Hồi giáo Ba Tư Muhammad Ibu Musa. Ông đã phát minh ra một môn toán học nhằm mục đích “Phục hồi những phần đã bị tách rời” (to restore the broken parts), tiếng Ả-rập gọi là Al-Jabr. Danh từ này được người Hy Lạp phiên âm thành Algebra tức là môn Đại-số-học. Môn toán học này được Musa phát minh năm 850.
Đều thế kỷ 11, một ngôi sao lớn về quang học xuất hiện tại Ai-cập. Đó là nhà khoa học Hồi giáo Alhazen. Ông chuyên tâm nghiên cứu các sách Hy Lạp về khúc xạ và phản chiếu ánh sáng. Ông là người đầu tiên trên thế giới giải thích hiện tượng cầu vồng và quang phổ. Thế giới khoa học ngày nay tôn vinh ông là ông tổ sáng lập ngành quang học hiện đại.
Nhờ có những sách y khoa dịch từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Arabic trong hai thế kỷ 8 và 9, đến thế kỷ 10 người Hồi giáo Ả-rập đã phát minh và đóng góp cho nhân loại rất nhiều tiến bộ về y khoa trên nhiều lãnh vực :
1. Sử dụng Anesthasia trong giải phẩu.
2. Sát trùng vết thương.
3. Phát giác việc lây bệnh do sự tiếp cận với người có bệnh và qua đường hô hấp.
4. Tách rời dược khoa và y khoa thành hai ngành riêng.
5. Do sa mạc thường có bão cát gây đau mắt nên người Ả-rập lập ra ngành nhãn khoa riêng.
6. Năm 925, nhà khoa học Abu Razi cho in bộ sách “Bách khoa Tự điển Y khoa” đầu tiên trên thế giới. Mãi tới hơn 5 thế kỷ sau, tức vào năm 1486, bộ sách này mới được dịch sang tiếng La-tinh để phổ biến tại Âu châu.
Về văn chương, bộ chuyện vĩ đại được in thành nhiều chục tập (volumes) nổi tiếng khắp thế giới và đã được dịch ra đủ loại thứ ngôn ngữ, đó là chuyện “Ngàn lẻ Một đêm”. Đây là tổng hợp đủ các chuyện thần thoại thời Babylon cổ xưa, các chuyện dân gian Ả-rập (Arab legends) và pha trộn với những chuyện thần tiên của Ấn Độ (Indian fairy tales).
Về kiến trúc, người Ả-rập Hồi giáo là những người phát minh ra cách xây những chiếc vòm nhọn đầu (pointed arch) từ thế kỷ 8 để kiến tạo những chiếc cầu bắc qua sông. Người Âu châu sau này bắt chước để lập ra lối kiến trúc Gothic.
Thái độ ham chuộng học hỏi và tôn trọng khoa học của người Hồi giáo rất đáng được mọi người khâm phục.
Người có công sưu tầm và duy trì những cuốn sách quí giá của nền văn minh Hy Lạp để lưu lại cho thế giới chúng ta ngày nay chính là một ông vua Hồi giáo Ả-rập : Caliph Al-Mamun. Ông lên ngôi tại Baghdad năm 813. Việc đầu tiên là thành lập “Nhà của sự khôn ngoan” (House of wisdom). Ông cho người đi khắp nơi tìm kiếm các sách cổ của Hy Lạp mang về Baghdad rồi thuê người Hy Lạp biết tiếng Ả-rập dịch tất cả các sách đó. Trong suốt 20 năm cai trị, vua Al-Mamun đã dồn hết tâm huyết vào công trình văn hóa độc đáo này.
Các nhà trí thức Hồi giáo ở Trung Đông thời đó nhiệt liệt hoan nghênh sáng kiến của nhà vua và họ đã tiếp tay để biến các thủ đô Hồi giáo thành những trung tâm văn hóa nổi tiếng như: Alexandria (Ai-cập), Antioch Edessa (Thổ-nhĩ-kỳ), Condova (Tây-ban-nha, lúc này là thuộc địa của đế quốc Hồi giáo).
Phong trào ham chuộng kiến thức khoa học của toàn vùng Trung Đông Hồi giáo kéo dài trong 5 thế kỷ, từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 12, đã biến vùng Trung Đông thành một khu vực văn minh nhất thế giới.

Blue Mosque in Istanbul. Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét