Vào thời kỳ Muhammad còn sống, chính nhờ Hồi
giáo và các chế tài luật Shariah mà lần đầu tiên trong lịch sử tôn giáo độc
thần, phụ nữ được chính thức đứng ngang hàng với nam giới về quyền con người. Lần
đầu tiên có tôn giáo quy định đàn ông bị giới hạn số vợ họ có thể lấy (4 vợ),
không phải vì họ siêu việt hơn đàn bà mà vì quyền lợi của những người phụ nữ có
chồng chết trận phải được chăm sóc. Shariah cũng quy định đàn ông chỉ được
quyền lấy thêm vợ khi họ có thể đảm bảo việc đối xử công bằng và khả năng lo
toan tài chính cho đại gia đình. Lần đầu tiên tôn giáo quy định phụ nữ có quyền
thừa kế, quyền sở hữu tài sản, quyền ly hôn và thậm chí quyền yêu cầu chồng
phải có trách nhiệm không lơ là cuộc sống tình dục đối với mình. Lần đầu tiên
trẻ em gái được chính thức bảo vệ bằng tuyên ngôn tôn giáo. Lần đầu tiên các
bậc cha mẹ được yêu cầu phải bảo vệ trẻ gái, cho trẻ gái được học hành thì mới
được lên thiên đàng. Lần đầu tiên người mẹ được tôn vinh ở vị trí đỉnh cao.
Muhammad từng nhấn mạnh “Chúng ta phải yêu thương mẹ mình nhất, nhì cũng là mẹ,
ba cũng là mẹ, sau đó mới đến người cha.” Bằng tất cả những gì ông làm được vào
cái thời mà phụ nữ bị coi như là của cải trong nhà, đàn ông lấy vợ đuổi vợ vô
tội vạ, và những hài nhi nữ bị vùi vào cát sa mạc, thì Muhammad xứng đáng là
nhà cải cách xã hội kiệt xuất và là người tiên phong trong phong trào giải
phóng phụ nữ.
Trích sách “Con đường Hồi
giáo” chương 2
Tác giả: Nguyễn Phương
Mai